Đề xuất xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (Sửa đổi): Cụ thể và sát thực tế
VHO- Trên cơ sở tổng kết, đánh giá quá trình triển khai, thực thi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, Báo cáo Tổng kết 12 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình số 299/BC-BVHTTDL của Bộ VHTTDL đã đưa ra một số giải pháp trong đó có đề xuất xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Tiểu phẩm tuyên truyền về PCBLGĐ tham dự giao lưu Câu lạc bộ “Nam giới nói không với bạo lực gia đình” tỉnh Đồng Nai
Xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) là nhằm khắc phục những bất cập trong quá trình triển khai, thi hành Luật này.
Nhiều địa phương chưa quan tâm
Báo cáo nêu rõ những vấn đề bất cập, hạn chế trong quá trình tổ chức thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) hiện nay. Kiểm tra công tác thi hành pháp luật về PCBLGĐ cho thấy hầu như chưa có địa phương thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong báo cáo hành vi bạo lực gia đình. Cụ thể, Luật quy định hằng năm trong báo cáo của UBND cấp xã trước Hội đồng nhân dân cùng cấp về tình hình kinh tế - xã hội phải có nội dung về tình hình và kết quả PCBLGĐ. Song chỉ có một số ít xã phường ở cơ sở đưa nội dung PCBLGĐ vào báo cáo hằng năm của Hội đồng nhân dân cùng cấp như quy định. Công tác PCBLGĐ hiện nay chưa thực được cấp ủy Đảng, chính quyền một số địa phương quan tâm. Một số địa phương chưa nhận thức rõ trách nhiệm quản lý về PCBLGĐ.
Về báo cáo thông tin và truyền thông trong PCBLGĐ cũng cho biết cơ sở dữ liệu là căn cứ quan trọng để làm cơ sở xây dựng và triển khai chính sách về PCBLGĐ thế nhưng dữ liệu được tổng hợp chính thống từ các địa phương bị sai số ngay từ bước đầu thu thập thì những công đoạn tiếp theo có thực hiện chính xác cũng không có giá trị sử dụng. Việc sử dụng dữ liệu sai để hoạch định chính sách sẽ cho kết quả là chính sách sai, không phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, sau hơn 10 năm triển khai thi hành Luật PCBLGĐ đến nay, ngành VHTTDL vẫn chưa có được một bộ số liệu chính thống và tương đối sát thực tế để phục vụ cho công tác tham mưu, quản lý nhà nước là một hạn chế lớn nhất của ngành...
Làm rõ trách nhiệm của từng ngành, địa phương
Căn cứ vào những bất cập từ thực thi Luật PCBLGĐ hiện hành trong báo cáo, Bộ VHTTDL đã đề xuất xây dựng Luật PCBLGĐ (sửa đổi) với những nội dung chủ yếu sau: Làm rõ khái niệm quy định liên quan đến công tác PCBLGĐ, Bổ sung các loại hình hỗ trợ tư vấn cho nạn nhân bị BLGĐ; Hoàn thiện các biện pháp ngăn ngừa, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân BLGĐ; Tăng cường các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác PCBLGĐ; Khắc phục những bất cập trong công tác báo cáo thông tin về BLGĐ (bổ sung các loại hình thức báo tin về vụ BLGĐ hay nguy cơ gây BLGĐ qua mạng xã hội); Phân bổ nguồn lực nhà nước cho công tác PCBLGĐ; Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan tổ chức, đứng đầu chính quyền các cấp và tăng cường công tác phối hợp liên ngành. Đặc biệt là quy định rõ trách nhiệm của cơ quan công an trong tiếp nhận, xử lý tin báo và hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ cũng như quy định về vai trò của Tòa án nhân dân các cấp. Để thúc đẩy xã hội hóa công tác PCBLGĐ, báo cáo cũng đề nghị cần quy định rõ về các hành vi sau: Bồi hoàn trả thiệt hại về tài sản cho người tham gia PCBLGĐ bị thiệt hại về tài sản, trợ cấp người tham gia PCBLGĐ bị tổn hại sức khỏe do trực tiếp ngăn chặn các vụ BLGĐ, thành lập quỹ hỗ trợ PCBLGĐ.
Nhóm giải pháp tiếp theo là nhằm nâng cao hiệu quả trong tổ chức thực thi Luật PCBLGĐ. Theo đó cần kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về lĩnh vực gia đình tại Trung ương theo hướng tăng cường nguồn lực, tính chủ động trong quản lý nhà nước về gia đình, PCBLGĐ; Về các loại hình dịch vụ công thuộc lĩnh vực gia đình, đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ nạn nhân BLGĐ và người có nguy cơ cao bị BLGĐ, thực hiện xã hội hóa trong việc huy động nguồn lực đầu tư cho công tác PCBLGĐ. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo, kiểm tra giám sát việc triển khai thực hiện các nội dung về PCBLGĐ, công tác gia đình. Đưa các chỉ tiêu về PCBLGĐ vào nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội hằng năm cũng như chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các cấp chính quyền, gắn vào các mục tiêu, chỉ tiêu về công tác gia đình với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị...
ĐÀO ANH